Friday, February 1, 2013

Lễ tri ân "Những người đã hiến xác cho y học"

Xuất phát từ phương Tây khoảng đầu thế kỷ XVI, lễ tri ân "Những người đã hiến xác cho y học" - gọi là "lễ Macchabée" - là buổi lễ không thể thiếu của tất cả những sinh viên Y khoa khi bước vào năm thứ nhất. Lễ Macchabée để kỷ niệm cho những người đã hiến xác cho y khoa.

 Macchabée là tên của một bác sĩ người Pháp: Judas Macchabée, đã cùng những đồng nghiệp và học trò phải lén lút đào mộ, lấy cắp tử thi mới đem chôn, hoặc rình mò đưa những xác chết vô thừa nhận ngoài đường về rồi bí mật giấu trong những hầm rượu để mổ xẻ. Macchabée gọi đó là "những người thầy im lặng".

Để tưởng nhớ "những người thầy im lặng", bác sĩ Macchabée đặt ra một buổi lễ, lấy ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 12 hàng năm làm ngày tổ chức, vì theo Thiên Chúa giáo thì Chúa Jesus chết vào ngày thứ Sáu. Vẫn theo tài liệu, lễ được tiến hành rất bí mật và người tham dự phải là những sinh viên tuyệt đối trung thành với các thầy bởi lẽ nếu lộ ra, thì Tòa án tôn giáo sẽ đưa cả thầy lẫn trò lên giàn hỏa thiêu!

Sau này, khi các định kiến tôn giáo chấm dứt, thì chữ Macchabée trở thành tên gọi cho lễ tri ân những người hiến xác cho y học, và theo từ điển ngành Y, Macchabée còn có nghĩa là "tử thi".

Macchabée là một hình tượng văn hóa độc đáo, phổ biến ở các nước phương Tây, thể hiện tính đa dạng trong nghi lễ, hội hè, âm nhạc và nghệ thuật tạo hình. Lễ hội mang tính nhân bản sâu sắc, thể hiện sự thương tiếc và chúc phúc của những người sống cho những người đã khuất, qua đó gửi gấm khát vọng hạnh phúc và bình đẳng đến tất cả mọi người.

Tại Đại học Y khoa Sài Gòn - Đại học Y khoa Huế trước ngày giải phóng, năm nào sinh viên năm thứ nhất cũng tổ chức lễ Macchabée. Không có những cuộc lễ tri ân cho những người cống hiến thân xác mình vì khoa học như trước.

Đến năm 1990, cố Giáo sư Nguyễn Quang Quyền đã vận động để khôi phục lại lễ tưởng niệm này nhằm tri ân những người đã hiến xác cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo y khoa. Giáo sư 
Nguyễn Quang Quyền là tác giả của cuốn Giải Phẩu Học và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác.Đã có một số người gặp Giáo sư Quyền, tỏ ý muốn hiến thân thể mình sau khi chết cho y học. Đến nay, Đại học Y Dược TP. HCM đã nhận trên 17.000 lá đơn xin hiến xác, và cũng đã tiếp nhận hơn 500 thi hài để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu y học, Nhưng việc hiến xác cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Sự sống quá mỏng manh ngắn ngủi. Chúng ta nào đã làm được gì cao cả hơn những thân xác dâng hiến kia? Xin một phút cúi đầu cảm tạ, dù muộn màng nhưng có lẽ sẽ không bao giờ trễ, vì những thân xác âm thầm cống hiến kia sẽ không còn màng đến thời gian nữa.

No comments:

Post a Comment